Lịch sử hoạt động France_(thiết_giáp_hạm_Pháp)

Hàu như ngay sau khi được đưa ra hoạt động, và được hộ tống bởi Jean Bart, France đã đưa Tổng thống Cộng hòa Pháp, Raymond Poincaré, trong chuyến viếng thăm chính thức đến Saint Petersburg, Nga, vào tháng 7 năm 1914. Chúng đang trên đường quay trở về từ Nga khi Chiến tranh Thế giới thứ nhất bùng nổ, nhưng đã về đến Pháp mà không đụng độ với tàu chiến Đức.[9]

Sau khi quay trở về nhà, France cùng với ba con tàu chị em được lệnh phục vụ tại Địa Trung Hải chống lại hải quân các nước Áo-HungOttoman. Chúng trải qua hầu hết năm 1914 hỗ trợ hỏa lực cho quân đội Montenegro, cho đến khi tàu ngầm Áo-Hung SMU U-12 bắn một quả ngư lôi trúng Jean Bart vào ngày 21 tháng 12 năm 1914 ngoài khơi đảo Sazan.[4] Việc này đã buộc các thiết giáp hạm phải rút lui về Malta hay Bizerte. Sau khi Pháp chiếm đóng hòn đảo trung lập Corfu của Hy Lạp vào năm 1916, nó được chuyển lên Corfu và Argostoli, nhưng chỉ có những hoạt động rất giới hạn vì nhiều người trong số thủy thủ đoàn được điều sang các tàu chống tàu ngầm.[10]

Sau chiến tranh, France và Jean Bart đã hỗ trợ cho lực lượng Đồng Minh tại Hắc Hải vào năm 1919 trong vụ Đồng Minh can thiệp vào cuộc Nội chiến Nga.[4] Vào tháng 4 năm 1919, trong khi France đang giúp vào việc phòng thủ Sevastopol trước lực lượng Bolshevik đang tiến quân, thủy thủ của nó cùng với những người trên chiếc Jean Bart đã làm binh biến, nhưng bị dập tắt khi Phó Đô đốc Jean-Françoise-Charles Amet đồng ý đáp ứng yêu cầu chủ yếu của họ là đưa các con tàu quay trở về nhà. Sau đó 26 thủy thủ đã bị tòa án binh kết án tù vì hành động trên, trước khi được tha vào năm 1922 như một phần của cuộc thương lượng giữa Thủ tướng Raymond Poincaré và các đảng cánh tả.[2]

Vào ngày 26 tháng 8 năm 1922, France va phải đá ngầm không được thể hiện trên hải đồ tại vịnh Quiberon, và bị đắm bốn giờ sau đó. Trong tổng số 900 người của thủy thủ đoàn, chỉ có ba người thiệt mạng.[11] Nó đã không kịp được hiện đại hóa.[1]